Tin tức  Tin tức KLINOVA

COP28: Thắp niềm tin từ thỏa thuận bước ngoặt

17:00 | 18/12/2023
Sau 2 tuần làm việc đầy khó khăn, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khép lại vào ngày 13/12 với những kết quả mang tính lịch sử

Sau 2 tuần làm việc đầy khó khăn, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khép lại vào ngày 13/12 với những kết quả mang tính lịch sử rất đáng hoan nghênh. Việc các nước tích cực thảo luận và thậm chí kéo dài lịch trình hơn dự kiến cho thấy sự quyết tâm cao độ của các bên, không chỉ trong việc đạt được những thỏa thuận mạnh mẽ mà thực sự bắt tay vào hành động để bảo vệ Trái đất trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Trong vai trò khách mời của chuyên mục Bình luận thế giới 360 độ của Truyền hình Thông tấn, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia đánh giá của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, CEO của Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA đã đưa ra những đánh giá về các kết quả của COP28, cũng như những thách thức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà các nước, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt.

TS. Nguyễn Phương Nam nhận định COP28 là hội nghị thể hiện rõ ràng nhất nỗ lực của tất cả các nước để đạt được những kết quả thực chất và có ý nghĩa, trong đó có hai kết quả nổi bật nhất. Thứ nhất là việc tuyên bố chấm dứt kỷ nguyên sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là lần đầu tiên COP nêu đích danh “thủ phạm” chính gây ra sự nóng lên toàn cầu trong tuyên bố chung của mình. Điều này có nghĩa từ nay, không chỉ riêng các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển vốn sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể để chuyển đổi sang các loại năng lượng sạch hơn.

Kết quả đáng chú ý thứ hai của COP28 mang tính kỹ thuật hơn, đó là các quốc gia cam kết sẽ làm đánh giá kiểm đếm toàn cầu (global stocktake) năm 2024, nhằm xác định và so sánh hiện trạng phát thải khí nhà kính giữa các nước. Trên cơ sở này, các nước có thể điều chỉnh kế hoạch khí hậu của mình để đạt được cam kết theo Hiệp định Paris 2015. Bên cạnh đó, bản đánh giá cũng giúp thế giới nhận thức được mức độ đóng góp của các quốc gia trong việc đạt mục tiêu chung là kiềm chế sự nóng lên của Trái đất. Kết quả này thể hiện sự tự nguyện và chủ động của các nước trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính.

Mặc dù những kết quả mà COP28 đạt được là rất đáng khích lệ, song trên thực tế, việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong thỏa thuận cuối cùng, COP28 nhất trí “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý”.

Theo TS. Nguyễn Phương Nam, sự công bằng ở đây nghĩa là khi các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch thì phải có sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, đặc biệt là về tài chính, về công nghệ. Đây là những rào cản lớn nhất đối với các nước đang phát triển trong tiến trình chuyển đổi năng lượng. Để tiến trình này nhanh chóng đạt được hiệu quả, mong muốn đơn phương từ các nước đang phát triển là không đủ, mà cần các gói hỗ trợ thiết thực từ các nước giàu.

Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã mang đến COP28 những tuyên bố rất mạnh mẽ, bao gồm cam kết chuyển đổi năng lượng và xây dựng thị trường mua bán tín chỉ carbon. TS. Nguyễn Phương Nam đánh giá Việt Nam vừa tích cực chia sẻ những nỗ lực toàn cầu, vừa chủ động lên kế hoạch để tự lực, tự nguyện đóng góp vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên theo ông, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác cần một nguồn tài chính lớn và ổn định để thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Gói hỗ trợ 15,5 tỷ USD theo cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu công nghệ mà Việt Nam cần để chuyển đổi năng lượng. Nếu không nhanh chóng triển khai gói vốn này thì khó tạo dựng được thị trường đầu tư chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Một trở ngại lớn khác mà Việt Nam phải đối mặt là việc COP28 không đưa ra thỏa thuận hướng dẫn trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các quốc gia với nhau và giữa khối tư nhân với các quốc gia. Đây là công cụ tài chính hiệu quả và được đánh giá là quan trọng nhất trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Việt Nam đã có một lộ trình rất tham vọng về vấn đề này: thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Phương Nam cho rằng mức độ hoạt động của thị trường carbon Việt Nam phụ thuộc vào tình hình thế giới. Sẽ rất khó để Việt Nam vận hành trơn tru thị trường carbon của mình nếu thế giới không có những quy định rõ ràng, thống nhất và đồng bộ.

Chống biến đổi khí hậu đã không còn là kế hoạch tương lai mà thực sự là một nhiệm vụ cấp bách của cả nhân loại. Dù vẫn còn nhiều bất đồng, nhưng thông qua các thỏa thuận đạt được tại COP28, các nước đã rất nỗ lực xích lại gần nhau để cùng thực hiện các mục tiêu khí hậu, biến các cam kết thành hành động cụ thể.

Các khuôn khổ chung có tính ràng buộc pháp lý là cần thiết, song điều quan trọng hơn là ý chí, quyết tâm và sự đoàn kết, hợp tác của các nước trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Những thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại COP28 đã củng cố niềm tin bảo vệ Trái đất và nhân loại trước biến đổi khí hậu, cho dù cuộc chiến này mới chỉ bắt đầu./.

Hội thảo khoa học: “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam”

Hội thảo khoa học: “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam”

Ngày 20/04 vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương cùng Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) đã tổ chức ...
KLINOVA tham dự Hội thảo Đào tạo Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Các-bon (CBAM) và Thị trường Tín chỉ Carbon

KLINOVA tham dự Hội thảo Đào tạo Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Các-bon (CBAM) và Thị trường Tín chỉ Carbon

Vào ngày 11 tháng 10 năm 2024, tại Hội thảo Đào tạo về Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) ...
Trao công cụ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp

Trao công cụ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp

Trong hai ngày 29-30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực doanh nghiệp để ...
+84 (0) 33 445 7778