Khía cạnh “S – Society” hay khía cạnh Xã hội trong tiêu chuẩn ESG bao gồm các tiêu chí xã hội đánh giá mối quan hệ của công ty với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, đối tác và cộng đồng. Nói một cách đơn giản, khía cạnh xã hội trong ESG đề cập đến định hướng của công ty trong việc đảm bảo quyền lợi của nhân viên, khách hàng, đối tác và xã hội trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Một số vấn đề xã hội quan trọng có trong tiêu chuẩn ESG bao gồm đảm bảo phúc lợi lao động cho nhân viên, bảo mật thông tin khách hàng, thực hiện trách nhiệm cộng đồng, v.v.
1. Đảm bảo phúc lợi cho người lao động
Vấn đề này có thể được triển khai ở nhiều biện pháp khác nhau để phù hợp với bộ tiêu chuẩn ESG như: đảm bảo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo điều kiện học tập làm việc tốt, bao gồm mức lương công bằng, giờ làm việc hợp lý, cơ hội đào tạo phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới,… giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của nhân viên. Các doanh nghiệp có thể triển khai một số biện pháp như:
Triển khai chính sách lương bao gồm lương cơ bản, phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe.
Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để được hưởng các quyền lợi như khám chữa bệnh, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất.
Doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, hoặc hỗ trợ học phí cho người lao động để nâng cao kỹ năng và kiến thức.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, team building, du lịch, v.v. để tăng cường gắn kết và động viên tinh thần cho người lao động.
2. Đảm bảo bảo mật dữ liệu cá nhân
Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân là một khía cạnh quan trọng. Các doanh nghiệp thực hiện ESG cần sự cho phép của các bên liên quan trước khi thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Các doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo mật dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như:
Đào tạo nhân viên về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cá nhân.
Sử dụng phần mềm bảo mật để bảo vệ hệ thống thông tin.
Xây dựng chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân rõ ràng.
Thực hiện đánh giá rủi ro thường xuyên.
3. Thực hiện trách nhiệm cộng đồng
Doanh nghiệp tham gia các hoạt động đóng góp cộng đồng sẽ được nhìn nhận như một tổ chức có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng. Doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như:
Tài trợ cho các dự án giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Nâng cao đạo đức kinh doanh trong nội bộ doanh nghiệp: chống tham nhũng, minh bạch thông tin.