Tìm hiểu tiêu chuẩn ESG và cách doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng để giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Bảo vệ môi trường giờ đây trở thành một yêu cầu cấp bách không chỉ đối với chính phủ các quốc gia, mà còn đối với mỗi cá nhân, tổ chức. Các doanh nghiệp, là mắt xích quan trọng của nền kinh tế, cũng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp với khả năng của mình để bảo vệ môi trường.
Vậy doanh nghiệp cần làm gì để có thể tối ưu hóa tác động của các hoạt động của doanh nghiệp đến môi trường tự nhiên?
- Tiết kiệm năng lượng
Cho dù là cơ sở sản xuất, chế tạo hay là công ty thương mại dịch vụ, các doanh nghiệp đều có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng, không chỉ để giảm chi phí vận hành mà còn giảm bớt áp lực lên môi trường. Một số biện pháp thiết thực có thể kể đến như đầu tư vào các công nghệ, thiết bị mới có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn hay chuyển sang sử dụng các loại năng lượng sạch. Nhiều doanh nghiệp còn thực hiện chính sách cho phép nhân viên làm việc tại nhà để giảm thiểu tiêu thụ điện tại văn phòng, hay thậm chí lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để cung cấp nguồn năng lượng sạch.
- Giảm thiểu rác thải
Rác thải chính là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất do số lượng lớn và tính chất khó kiểm soát, đặc biệt là với các loại rác phổ biến như nhựa. Theo thống kê từ WWF Việt Nam, năm 2021, Việt Nam thải ra tới gần 3 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó phần lớn bị đổ ra các bãi rác chôn lấp hoặc bị thải ra môi trường tự nhiên. Với giá thành rẻ và tính tiện dụng cao, các sản phẩm nhựa rất khó để thay thế và xuất hiện ở hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống.
Nhằm giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều biện pháp thiết thực phù hợp với quy mô và tiềm lực tài chính. Đơn giản nhất, nhà sản xuất có thể loại bỏ những bộ phận bằng nhựa không cần thiết trên sản phẩm của mình, chẳng hạn như bao bì bên trong của sản phẩm khi bên ngoài đã có một lớp vỏ bảo vệ. Hình dáng, chất liệu sản phẩm cũng có thể được thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như việc chuyển từ chai nhựa dùng một lần sang chai thủy tinh có thể được thu thập và tái sử dụng nhiều lần.
- Thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trong cộng đồng
Doanh nghiệp cũng có thể lan tỏa tinh thần sống xanh và tạo các giá trị tích cực cho cộng đồng. Chẳng hạn, như năm 2023, Vinamilk đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án trồng 1000 cây xanh tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo đó, dự án là một phần trong chiến lược ESG của doanh nghiệp này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị cho xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Trước xu thế ngày càng được quan tâm về phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải xác định rõ vai trò của bản thân trong bảo vệ môi trường cũng như xây dựng được một định hướng phát triển hiệu quả và phù hợp. Nhiều doanh nghiệp đã tìm tới thực hiện chiến lược ESG nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững. Để đạt được điều này, doanh nghiệp trước hết cần phải có hiểu biết rõ ràng và chính xác về ESG qua tư vấn từ chuyên gia hoặc các nguồn thông tin uy tín.