
Ngày 26/ 1, Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với UN-ESCAP tổ chức Hội thảo tham vấn: Doanh nhân nữ thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng trong thời gian tới. Hội thảo là nơi chia sẻ các kết quả đạt được của Dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE), và định hướng hỗ trợ doanh nhân nữ thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án CWE được triển khai ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, xây dựng mối liên kết vùng, thúc đẩy việc chia sẻ, phối hợp giữa các quốc gia cũng như phối hợp với các dự án liên quan ở cấp khu vực và quốc tế.
Tham dự hội thảo có bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Giám đốc dự án CWE; bà Sudha Gooty – Quản lý dự án CWE – Ban Phát triển xã hội UN-ESCAP và hơn 120 đại biểu (trực tiếp và trực tuyến) đến từ các Hiệp hội, Doanh nghiệp, Cơ quan Nhà nước/Địa phương trên toàn quốc.
CEO KLINOVA, TS. Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia dự án CWE là diễn giả khách mời với phần trình bày về “Báo cáo nghiên cứu Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) do nữ làm chủ ở ĐBSCL”.

Báo cáo của TS. Nam gồm 6 phần chính: cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu đến các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở ĐBSCL, vấn đề giới trong doanh nghiệp, đánh giá chính sách, chương trình hỗ trợ MSME do nữ làm chủ và khuyến nghị. Báo cáo được thực hiện bằng phương pháp khảo sát bảng hỏi tới hơn 2000 doanh nghiệp kết hợp với phỏng vấn sâu: 9 cuộc phỏng vấn các nữ chủ doanh nghiệp MSME tại ĐBSCL, 2 cuộc phỏng vấn đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tại Cần Thơ,…
Sau quá trình khảo sát kỹ lưỡng, nghiên cứu đã đạt được số liệu chi tiết về những lĩnh vực chịu tác động bởi biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ hải sản bị ảnh hưởng nhiều nhất với 48%. Tiếp đó, TS. Nam cũng thực hiện thống kê rào cản giới theo quy mô doanh nghiệp và đi đến những kết luận mang tính đóng góp cao. Cụ thể, các MSME do nữ làm chủ có cơ hội phát triển bền vững hơn doanh nghiệp do nam làm chủ. Điều này được giải thích bởi khả năng tạo dựng lòng tin trong cộng đồng nhân sự (VD: nữ chủ doanh nhân ưu tiên vấn đề sức khỏe cho các nhân viên nữ cùng các phúc lợi đi kèm) và sự đảm bảo chất lượng đầu ra của mỗi hoạt động đầu tư. Về đánh giá chính sách, TS. Nam nhận định vẫn tồn tại sự không nhất quán giữa góc nhìn của bên nhận hỗ trợ (các MSME do nữ làm chủ và bên hỗ trợ (các cơ quan, tổ chức chính phủ, NGO, Hiệp hội,…). Khép lại báo cáo, Tiến sĩ cũng đề xuất những kiến nghị thiết thực liên quan tới các chính sách và quy định, tiếp cận tài chính, nâng cao năng lực, tiếp cận thị trường.

Kết quả nghiên cứu của TS. Nam về tác động của BĐKH đến MSME do nữ làm chủ ở ĐBSCL đã nhận được nhiều đánh giá và nhận xét tích cực từ đại diện các hiệp hội, cơ quan, doanh nghiệp tham gia hội thảo đồng thời đóng vai trò là nền tảng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách tham khảo và xây dựng chính sách, kế hoạch phù hợp.
Hội thảo tiếp tục với phần tham luận của các đại biểu tham gia và phần nhìn lại các hoạt động của CWE cũng như định hướng, khuyến nghị cho hợp tác hỗ trợ Doanh nghiệp nữ trong tương lai. Tổng kết 3 năm triển khai (2020-2023), mặc dù thời gian đầu còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Dự án đã thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật có ý nghĩa và tạo tác động tích cực tới hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nữ.