Sự kiện có sự hiện diện của Bà Amina J. Mohammed – Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cùng Bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế trong việc thúc đẩy vai trò của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường vai trò thanh niên trong thực hiện cam kết khí hậu quốc gia
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (DCC), ông Nguyễn Đức Huy, nhấn mạnh rằng thanh niên không chỉ là nhóm dễ bị tổn thương mà còn là lực lượng có tiềm năng to lớn trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu thông qua các sáng kiến đổi mới và hành động cộng đồng. Việc xây dựng lộ trình là một bước đi có hệ thống, nhằm định hình vai trò, trách nhiệm và cơ hội tham gia thực chất của thanh niên trong hoạch định và thực thi chính sách khí hậu.
Công bố Lộ trình tăng cường sự tham gia của thanh niên trong NDC 3.0 - Youth4NDC Roadmap
YPWG, Nhóm Công Tác Thanh Niên Về Chính Sách Khí Hậu đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng và thực hiện “Lộ trình tăng cường sự tham gia của thanh niên trong NDC 3.0” - Youth4NDC Roadmap, đã cho ra mắt Lộ trình tăng cường sự tham gia của thanh niên trong NDC 3.0. Trong buổi lễ ra mắt, đại diện là anh Đào Mạnh Trí - Điều phối nhóm JET, YPWG và chị Nguyễn Thị Hà - Điều phối nhóm YPWG đã có phần giới thiệu về lộ trình này. Lộ trình tăng cường sự tham gia của thanh niên vào NDC 3.0 bao gồm các hợp phần cốt lõi: (1) Giáo dục về biến đổi khí hậu - tích hợp kiến thức về khí hậu vào chương trình học, học tập ngang hàng, trao đổi, nâng cao năng lực cho giáo viên, (2) hướng tới chuyển đổi năng lượng công bằng, năng lượng sạch, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau (3) giảm thiểu chất thải, tái chế sáng tạo và các mô hình tiêu dùng bền vững - Kinh tế tuần hoàn, (4) giải pháp dựa vào thiên nhiên - Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái, các chiến dịch phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học do thanh niên dẫn dắt.
Đồng thời, một điểm đáng chú ý là lộ trình Youth4NDC còn hướng tới việc hình thành một chuỗi các sự kiện liên tục, kéo dài đến COP30, cùng với đó, sáng kiến này sẽ được trình bày tại COP30 diễn ra vào cuối năm 2025, nhằm tạo cơ hội cho thanh niên Việt Nam có thể thể hiện quan điểm, trình bày giải pháp tại các diễn đàn khí hậu toàn cầu.
Cũng trong buổi lễ ra mắt, Lộ trình chương trình hành động hướng tới COP30 - Road to COP30 của Mạng lưới thanh niên vì khí hậu Việt Nam (YNET) cũng đã được giới thiệu tới đông đảo đại biểu tham gia sự kiện. Điểm nhất của Road to COP30 được xây dựng trên ba trụ cột: nâng cao năng lực (capacity building), tăng cường tham gia (engagement), và mở rộng quy mô tác động (scale-up). Chuỗi chương trình được thiết kế đa cấp độ – từ giáo dục phổ thông, truyền thông đại chúng, đến các hội thảo cấp vùng – nhằm tạo nền tảng kiến thức và không gian hành động rộng mở cho thế hệ trẻ.
Ra mắt Climate Box: Công cụ giáo dục khí hậu toàn diện cho thanh niên Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện, UNDP Việt Nam và các đối tác cũng chính thức ra mắt bộ công cụ giáo dục khí hậu Climate Box dành riêng cho thanh niên Việt Nam. Bộ công cụ gồm: giáo trình tích hợp kiến thức về biến đổi khí hậu, trò chơi đố vui tương tác, bản đồ khí hậu, áp phích minh họa các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ, cùng tài liệu hướng dẫn giáo viên lồng ghép nội dung vào chương trình học.
Việc phát triển bộ công cụ này phản ánh xu hướng “thể chế hóa giáo dục khí hậu” trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho mục tiêu dài hạn của NDC 3.0 trong lĩnh vực nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ Việt Nam và chuyển đổi hành vi cộng đồng.
Phiên đối thoại chính sách và thông điệp từ Liên Hợp Quốc
Phần thảo luận về sự tham gia của thanh niên vào NDCs trong khuôn khổ sự kiện tập trung vào bốn trụ cột chính: Chuyển dịch năng lượng công bằng (JET), Kinh tế tuần hoàn (CE), Giáo dục biến đổi khí hậu (CCE), và Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS). Các bên nhất trí rằng việc lồng ghép thanh niên vào các chính sách cần được thực hiện theo cách bài bản, có minh chứng về năng lực, chuyên môn và tính bền vững của các sáng kiến do thanh niên dẫn dắt.
Kết thúc sự kiện, Bà Amina J. Mohammed – Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định vai trò trung tâm của thanh niên trong các chiến lược khí hậu toàn cầu. Bà nhấn mạnh rằng để thanh niên thực sự được công nhận là đối tác chính sách, cần có sự thuyết phục dựa trên “năng lực, chuyên môn và động lực thực chất” – và Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để dẫn đầu xu hướng này trong khu vực. Ngoài ra, cần có những hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, để thể hiện tiếng nói của giới trẻ, tham gia nhiều hơn vào quá trình đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách của Việt Nam.
Đại diện KLINOVA, bà Nguyễn Thị Minh Huệ – Giám đốc Dự án, cũng có mặt tại sự kiện, thể hiện mối quan tâm sâu sắc đối với các sáng kiến do thanh niên dẫn dắt trong lĩnh vực khí hậu, đồng thời phản ánh cam kết mạnh mẽ của KLINOVA trong việc đồng hành cùng các hoạt động cộng đồng hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng đòi hỏi sự hợp tác liên ngành và liên thế hệ.
Đại diện KLINOVA, bà Nguyễn Thị Minh Huệ (ngoài cùng bên phải) – Giám đốc Dự án, có mặt tại sự kiện, Ảnh: BTC
Sự kiện đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cách tiếp cận vai trò của thanh niên trong hoạch định và thực thi chính sách khí hậu tại Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là chiến dịch truyền thông hay hoạt động phong trào, lộ trình thanh niên trong NDC 3.0 là một cấu phần có tính thể chế, có khả năng tác động lâu dài tới việc xây dựng năng lực quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho các vòng đàm phán quốc tế sắp tới và thực thi các cam kết khí hậu mang tính ràng buộc, việc trao quyền và tạo cơ chế tham gia hiệu quả cho thanh niên sẽ đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa một chiến lược chuyển dịch xanh, công bằng và bao trùm.