CBAM (Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon) là một chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm áp thuế carbon lên một số sản phẩm nhập khẩu vào EU, ở giai đoạn đầu tiên là xi măng, phân bón, sắt thép, nhôm, hydrogen và điện. CBAM được thiết kế để giảm tình trạng “rò rỉ carbon” – tức việc các doanh nghiệp châu Âu dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi EU để tránh các quy định nghiêm ngặt về phát thải khí nhà kính, từ đó giúp EU đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
CBAM tính toán lượng phát thải như thế nào?
Để đánh giá cường độ phát thải từ hàng hóa, CBAM sử dụng lần lượt ba phương pháp:
- Dựa trên dữ liệu thực tế trong quá trình sản xuất sản phẩm được cung cấp bởi nhà xuất khẩu.
- Dựa vào cường độ phát thải trung bình mặc định của quốc gia xuất khẩu (được điều chỉnh tăng thêm một khoảng nhất định).
- Dựa vào cường độ phát thải của doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kém nhất trong hệ thống EU ETS đối với mặt hàng CBAM đó.
Vị trí của nhà xuất khẩu trong cơ chế của CBAM
- Nhà nhập khẩu EU có trách nhiệm khai báo lượng phát thải trong quá trình sản xuất hàng hóa lên cơ quan đăng ký CBAM.
- Nhà xuất khẩu cung cấp các thông tin cần thiết về lượng phát thải cho nhà nhập khẩu để phục vụ cho nghĩa vụ báo cáo của nhà nhập khẩu.
Các giai đoạn áp dụng CBAM:
- Giai đoạn Chuyển Tiếp (10/2023 - 12/2025): Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu chỉ cần khai báo lượng phát thải, chưa phải nộp phí CBAM. Giai đoạn này giúp doanh nghiệp làm quen với cơ chế mới, đồng thời tập trung vào các ngành có lượng phát thải cao.
- Giai đoạn Vận Hành Chính Thức (từ 01/2026): Từ thời điểm này, các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu phải mua chứng chỉ CBAM. Mỗi chứng chỉ CBAM tương đương với một tấn phát thải CO2tđ. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu lượng phát thải có trong mặt hàng CBAM quá mức hạn ngạch, doanh nghiệp cần mua lượng tương ứng chứng chỉ CBAM để bù đắp cho lượng quá hạn ngạch đó.
- Giai đoạn Mở Rộng (2030): Dự kiến, EU sẽ mở rộng các mặt hàng CBAM ra các lĩnh vực trong EU ETS, như dầu, kim loại, vôi, thủy tinh, gốm sứ, giấy…
- Giai đoạn Áp Dụng Đầy Đủ (từ 01/2034): CBAM sẽ áp dụng hoàn toàn, đòi hỏi nhà nhập khẩu phải mua và nộp chứng chỉ CBAM tương ứng với toàn bộ lượng phát thải carbon từ hàng hóa CBAM nhập khẩu vào EU.