Tại COP29, các quốc gia đã thiết lập những tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Dưới đây là hướng dẫn cơ bản giúp bạn hiểu về Điều 6 và vai trò của điều này trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu
Cơ chế tín chỉ các-bon theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris là một trong những công cụ quan trọng để hỗ trợ các quốc gia thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính thông qua hợp tác quốc tế. Điều 6 của Thỏa thuận Paris đưa ra các cơ chế nhằm cho phép các nước giảm phát thải một cách hiệu quả hơn bằng cách trao đổi tín chỉ các-bon và hợp tác trong các hoạt động giảm phát thải. Cụ thể, Điều 6 được chia thành ba phần chính:
Điều 6.2 – Cơ chế hợp tác song phương hoặc đa phương:
Điều này cho phép các quốc gia tự nguyện hợp tác với nhau để đạt được các cam kết giảm phát thải (Nationally Determined Contributions - NDCs) thông qua các chuyển giao giảm phát thải quốc tế (Internationally Transferred Mitigation Outcomes - ITMOs). ITMOs là kết quả chuyển giao giảm phát thải mà một quốc gia có thể mua từ một quốc gia khác, thông qua các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Những tín chỉ này có thể được tính vào mục tiêu NDC của quốc gia mua.
Điều 6.4 – Cơ chế thị trường các-bon quốc tế:
Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris thiết lập một cơ chế toàn cầu để thúc đẩy giảm phát thải và hỗ trợ phát triển bền vững. Cơ chế này, thường được gọi là Cơ chế Phát triển Bền vững (Sustainable Development Mechanism - SDM), đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các quốc gia và tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án giảm phát thải và nhận tín chỉ carbon. Thông qua cơ chế này, các dự án giảm phát thải (như năng lượng tái tạo, trồng rừng, hoặc tiết kiệm năng lượng) được thực hiện ở một quốc gia và tạo ra tín chỉ các-bon. Những tín chỉ này có thể được bán cho các quốc gia hoặc doanh nghiệp khác, giúp họ đạt mục tiêu giảm phát thải. Cơ chế này nhằm đảm bảo việc giảm phát thải thực sự và góp phần vào phát triển bền vững, đặc biệt cho các nước đang phát triển. Một phần của doanh thu từ các giao dịch này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều 6.8 – Cơ chế phi thị trường:
Điều 6.8 đề cập đến các cơ chế hợp tác phi thị trường nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải mà không nhất thiết phải liên quan đến trao đổi tín chỉ các-bon. Các quốc gia có thể hợp tác trong các lĩnh vực như chia sẻ công nghệ, nâng cao năng lực, hoặc các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số lợi ích đáng chú ý của Điều 6 khi đi vào hoạt động như sau:
Tăng cường hiệu quả chi phí: Các quốc gia hoặc doanh nghiệp có thể mua tín chỉ từ các dự án giảm phát thải, đạt hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc tự giảm phát thải trong nước.
Khuyến khích phát triển bền vững: Các nước đang phát triển có thể nhận đầu tư từ nước ngoài để triển khai các dự án xanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy hợp tác toàn cầu: Điều 6 tạo điều kiện cho các nước hợp tác trong việc giảm phát thải, đồng thời đảm bảo các cam kết về khí hậu được thực hiện đồng đều.
Tránh tình trạng “đếm kép”: Các cơ chế chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch sẽ giúp cho lượng tín chỉ các-bon được sử dụng công khai, tránh tình trạng một lượng tín chỉ được tính 2 lần cho 2 quốc gia.