KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH: BƯỚC ĐI QUAN TRỌNG HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
12:47 | 26/09/2024
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21, chủ yếu do tác động của hiệu ứng nhà kính. Trong bối cảnh đó, kiểm kê KNK đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách khí hậu của các quốc gia. Vậy kiểm kê KNK là gì và đóng vai trò như thế nào trong việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải của các quốc gia nhằm hướng tới phát triển bền vững?
Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng tự nhiên được sản sinh ra từ việc một phần bức xạ mặt trời xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất và bị hấp thụ lại. Quá trình này giúp làm ấm bề mặt Trái đất và duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, con người đã gia tăng phát thải khí nhà kính, khiến hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này gây ra những rủi ro lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và buộc các nước phải kiểm soát lượng phát thải thông qua các công cụ như kiểm kê KNK.
Kiểm kê KNK là hoạt động báo cáo tính toán toàn diện về lượng khí nhà kính phát thải do con người tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Các quốc gia, khu vực và doanh nghiệp đều có thể thực hiện kiểm kê này để giám sát phát thải.
Để đảm bảo tính chính xác và nhất quán trong việc kiểm kê KNK, một số tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận rộng rãi như Hướng dẫn IPCC, GHG Protocol và tiêu chuẩn ISO 14064. Đây là những bộ hướng dẫn quan trọng cho việc thực hiện kiểm kê KNK hàng năm.
Theo Hướng dẫn IPCC (2006), báo cáo kiểm kê KNK đóng vai trò quan trọng trong cam kết khí hậu và phát triển bền vững:
- Theo dõi tiến độ: Giúp theo dõi tiến độ của các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải.
- Minh chứng cam kết: Cung cấp dữ liệu phát thải đã được tiêu chuẩn hóa để minh chứng cho cam kết quốc tế.
- Phát triển chính sách: Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng số liệu kiểm kê để xây dựng chính sách hiệu quả hơn.
- Tăng cường minh bạch: Thúc đẩy niềm tin và trách nhiệm thông qua dữ liệu minh bạch.
Hiện nay, tại Việt Nam, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 đã đặt ra yêu cầu giảm phát thải bắt buộc với các tổ chức và doanh nghiệp. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm kê KNK.