Tin tức

Thị trường Các-Bon là gì?

14:30 | 28/12/2024

Thị trường các-bon là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thông qua việc trao đổi tín chỉ carbon, các quốc gia và doanh nghiệp có thể đạt được mục tiêu khí thải net-zero hiệu quả hơn.

1. Tổng quan về thị trường các-bon
Thị trường các-bon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo Nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Do CO2 là KNK quy đổi tương đương của mọi KNK nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.

Tín chỉ các-bon (carbon credit) một đơn vị đo lường lượng KNK giảm được hoặc tránh phát thải thông qua các dự án hoặc hoạt động giảm thiểu phát thải. Mỗi tín chỉ các-bon có thể giao dịch, tương đương với 1 tấn CO₂ (các-bon dioxide) hoặc khối lượng KNK khác tương đương (CO₂tđ) đã được giảm. Khi tín chỉ được sử dụng để giảm, lưu giữ hoặc tránh phát thải, nó trở thành một khoản bù trừ và không còn có thể giao dịch nữa.

2. Phân loại thị trường các-bon
Hiện nay, thị trường các-bon bao gồm: Thị trường các-bon bắt buộc; Thị trường các-bon tự nguyện và Thị trường các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
2.1. Thị trường các-bon bắt buộc (Compliance Carbon Market)
Thị trường các-bon bắt buộc (tuân thủ)  được thiết lập theo các quy định pháp lý và giám sát bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các-bon quốc gia hoặc quốc tế như Nghị định thư Kyoto, Cơ chế trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức phát thải phải tuân thủ các quy định về hạn mức phát thải. Nếu một doanh nghiệp phát thải ít hơn hạn mức quy định, họ có thể bán tín chỉ dư thừa và ngược lại, nếu phát thải vượt quá, họ phải mua tín chỉ để bù đắp. Một số thị trường bắt buộc lớn trên thế giới hiện nay gồm:

  • Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS - European Union Emissions Trading System)
  • Hệ thống giao dịch phát thải quốc gia của Trung Quốc (China’s National ETS)
  • Hệ thống giao dịch phát thải của California (California Cap-and-Trade Program)

2.2. Thị trường các-bon tự nguyện (Voluntary Carbon Market)
Khác với thị trường bắt buộc, thị trường các-bon tự nguyện cho phép các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân mua tín chỉ các-bon để bù đắp phát thải mà không bắt buộc bởi các quy định pháp lý. Nguồn cung tín chỉ tự nguyện chủ yếu đến từ các tổ chức tư nhân phát triển các dự án các-bon hoặc các chương trình phát triển của chính phủ được chứng nhận theo tiêu chuẩn các-bon nhằm giảm thiểu và/hoặc loại bỏ khí thải. Mặt khác, nhu cầu tín chỉ đến từ các cá nhân muốn bù đắp lượng khí thải các-bon của họ, các doanh nghiệp có mục tiêu kinh doanh bền vững và các chủ thể khác muốn trao đổi tín chỉ để kiếm lợi nhuận. Khi các doanh nghiệp cam kết trung hòa các-bon (carbon neutrality) hoặc phát thải ròng bằng 0 (net-zero emissions), thị trường các-bon tự nguyện ngày càng phát triển. Một số tiêu chuẩn trong thị trường các-bon tự nguyện như: Verra (VCS); Gold Standard (GS); American Carbon Registry (ACR); Climate Action Reserve (CAR); Plan Vivo (PVC).

2.3. Thị trường các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã mở ra bước phát triển mới cho thị trường các-bon trên thế giới. Tại COP29 vừa qua, các quốc gia đã đạt đồng thuận về các tiêu chuẩn vận hành của thị trường các-bon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris bao gồm quy tắc, phương thức, thủ tục chấp thuận và quản lý. Điều 6 Thỏa thuận Paris tạo ra cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon mới, cho phép một quốc gia có thể chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (được quy đổi thành tín chỉ các-bon) cho một (hoặc một số) quốc gia khác, để giúp bên mua đạt được các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điều này nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư vào dự án giảm phát thải dựa trên sự hợp tác quốc tế và tăng cường tính minh bạch cho thị trường các-bon. Cụ thể các cơ chế theo Điều 6 như sau: 

  • Điều 6.2 - Hợp tác quốc tế về tín chỉ các-bon: Điều 6.2 cho phép các quốc gia hợp tác với nhau thông qua việc chuyển nhượng các kết quả giảm phát thải gọi là ITMOs (Internationally Transferred Mitigation Outcomes). Các quốc gia có thể tự thỏa thuận và trao đổi tín chỉ các-bon mà không cần sự can thiệp của cơ quan trung ương quốc tế, miễn là tuân thủ các nguyên tắc minh bạch và báo cáo quốc tế.
  • Điều 6.4 - Cơ chế phát hành tín chỉ từ dự án giảm phát thải: Cơ chế theo Điều 6.4 tạo ra một hệ thống tín chỉ các-bon từ các dự án giảm phát thải ở bất kỳ quốc gia nào. Cơ quan quốc tế sẽ quản lý và phát hành tín chỉ từ các dự án này. Các dự án phải được kiểm tra, đánh giá và chứng nhận bởi cơ quan quốc tế trước khi tín chỉ được phát hành.
  • Điều 6.8 - Cơ chế hợp tác phi thị trường: Cơ chế tại Điều 6.8 tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác quốc tế trong việc giảm phát thải KNK và thực hiện phát triển bền vững mà không cần thông qua các cơ chế thị trường, như trao đổi tín chỉ các-bon. Cơ chế được thiết kế để hỗ trợ các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển nhằm đảm bảo rằng mọi quốc gia, bất kể khả năng tài chính hay trình độ phát triển, đều có thể tham gia vào quá trình chống biến đổi khí hậu thông qua tăng cường năng lực, hỗ trợ thực hiện các dự án.

3. Kết luận
Thị trường các-bon là các hệ thống giao dịch trong đó tín chỉ các-bon được mua và bán để bù đắp cho lượng KNK đã phát thải. Thị trường các-bon bắt buộc đảm bảo các quốc gia và doanh nghiệp tuân thủ cam kết phát thải, trong khi thị trường các-bon tự nguyện tạo cơ hội cho các tổ chức và cá nhân đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thị trường mới theo cơ chế của Điều 6 Thỏa thuận Paris được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giảm phát thải và thu hút nguồn tài trợ cho các dự án giảm phát thải và bảo vệ môi trường tại các quốc gia đang phát triển.

Mạng lưới Phụ nữ Năng lượng Việt Nam và Chuyển dịch Năng lượng Công bằng: Kết nối và Hành động

Mạng lưới Phụ nữ Năng lượng Việt Nam và Chuyển dịch Năng lượng Công bằng: Kết nối và Hành động

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2024, chị Nguyễn Thị Minh Huệ – đại diện từ KLINOVA đã tham dự sự ...
ESG tại Việt Nam: Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ môi trường?

ESG tại Việt Nam: Doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ môi trường?

Tìm hiểu tiêu chuẩn ESG và cách doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng để giảm thiểu tác động môi ...
+84 (0) 33 445 7778