Ngày 9/5 vừa qua, Cục Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 7/1/2022 nhằm thực hiện một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho đến nay vẫn đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm đưa thị trường các-bon đi vào vận hành. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính và triển khai thị trường các-bon.
Dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề:
- Quy định về tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường các-bon;
- Quy định phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính;
- Quy định chi tiết về tổ chức thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon trong nước;
- Quy định về trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế theo quy định của Thỏa thuận Paris;
- Cuối cùng là một số quy định về bảo vệ tầng ôzôn.
Cùng tham dự hội thảo, các đại diện các Bộ quản lý chuyên ngành, các cơ quan liên quan, các Hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đã tích cực đưa ra các ý kiến đóng góp cho văn bản dự thảo.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Văn Hùng đã đóng góp nhiều kiến nghị quan trọng liên quan đến độ khả thi trong việc thực hiện các quy định mới của nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này vẫn chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về kiểm kê khí nhà kính, về thị trường các-bon cũng như các quy định có liên quan trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Về phân bổ hạn ngạch phát thải, đại diện VCCI đề nghị cần làm rõ hơn quy định về cách thức phân bổ, đặc biệt trong việc lựa chọn hệ số phát thải hay phương pháp tính toán nào… Đây cũng là kiến nghị từ đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – ông Trần Anh Tuấn. Đại diện EVN cho biết, đối với quy định về vay mượn hạn ngạch phát thải, trong các mùa cao điểm, các nhà máy nhiệt điện có thể vận hành vượt quá mức bình thường và phát thải CO2 lớn hơn so với mức được phân bổ do nhu cầu từ nhà sản xuất. Vì thế EVN mong muốn có thể có cơ chế tạo thuận lợi cho phía nhiệt điện và EVN đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện trong các mùa cao điểm.
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho đơn vị thẩm định, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng cần thêm ý kiến về giấy phép hoạt động khoa học trong lĩnh vực nào sẽ do đơn vị nào sẽ cấp giấy phép. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm phạm trù các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính có phải cơ sở nằm trong Quyết định 01 về danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hay không. Một vấn đề khác về quy trình cấp phép cho đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính. Quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức này có thể có vướng mắc với Luật Đầu tư vì trong Luật chưa công nhận phạm trù giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và được giao nhiệm vụ thẩm định, bà Lê Thị Mai Hoa, đại diện Sở TN&MT Hà Nội mong muốn Nghị định mới sẽ hướng dẫn rõ hơn về các nội dung thẩm định, quy trình và việc hoạt động, cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định, sử dụng ngân sách nhà nước hay tích hợp vào phí, lệ phí… Việc xây dựng thủ tục hành chính cho việc thẩm định cũng cần có thêm hướng dẫn cụ thể và căn cứ, cơ sở triển khai trong thực tiễn. Ngoài ra, đại diện các Sở TN&MT địa phương và đại diện các hiệp hội cũng bày tỏ mong được hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về các nội dung liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, thẩm định kết quả kiểm kê này để có thể thực hiện tốt công tác về kiểm kê và thẩm định này.
Cục trưởng Tăng Thế Cường cho biết kết quả tham vấn sẽ giúp hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định, Thông tư đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.