Ngày 11/4, CEO KLINOVA TS. Nguyễn Phương Nam tham dự Họp tham vấn cấp kỹ thuật bổ sung thông tin về các dự án đầu tư triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện Chương trình quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại Hà Nội, Việt Nam. Cuộc họp do Cục Biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối của Ban thư ký JETP phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức nhằm tham vấn bổ sung thông tin về đề xuất dự án trình Ban Chỉ đạo thực hiện Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) xem xét để sớm triển khai thực hiện.
Tuyên bố chính trị thiết lập JETP với các đối tác trong và ngoài G7 (gồm Liên minh châu u, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy) (gọi tắt là Nhóm đối tác phát triển – IPG) đã được thông qua ngày 14/12/2022 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ. Theo đó, IPG và Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (gọi tắt là GFANZ) dự kiến sẽ huy động tổng cộng 15,5 tỷ Đô-la Mỹ thực hiện Tuyên bố Chính trị JETP cho Việt Nam. Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Cuộc họp tham vấn diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 100 đại biểu tham dự, gồm các nội dung chính như: Giới thiệu và thông báo kết quả công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28; trình bày Khung giám sát và đánh giá thực hiện JETP; trình bày danh mục các dự án đầu tư và các dự án hỗ trợ kỹ thuật được đề xuất ưu tiên triển khai từ năm 2024; thảo luận về danh mục các dự án đề xuất ưu tiên; kết luận và nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, TS. Nam đã đóng góp một số kiến nghị quan trọng liên quan đến việc thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nhiệt điện than. Ông nhấn mạnh vai trò của việc kiểm kê kỹ lưỡng để các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận đầu tư. Bên cạnh đó, TS. Nam cũng lưu ý rằng cam kết của chính doanh nghiệp trong việc thực hiện kiểm kê là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá và xem xét.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tiền khả thi cùng ngôn ngữ với nhà đầu tư cũng được đề cao. Việc này giúp tạo điều kiện thảo luận về phương án đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế cho nhiệt điện than như điện mặt trời, điện mái nhà,…
Cuối cùng, để đủ điều kiện tham gia thị trường các-bon, TS. Nam khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng các quy trình đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) minh bạch. Trong đó bao gồm việc thiết lập các tiêu chí rõ ràng để theo dõi lượng phát thải khí nhà kính và các nỗ lực giảm thải. Bằng cách áp dụng những khuyến nghị này, các doanh nghiệp nhiệt điện than vừa thực hiện cam kết bền vững đồng thời có thể thu hút đầu tư hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong tương lai.