Với mục đích thúc đẩy phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia vào các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tiến tới mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai của chính phủ Việt Nam, Cơ quan tài chính quốc tế IFC phối hợp với các cơ quan phát triển tổ chức của Australia và Mỹ, cùng Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) đã phối hợp hội thảo “Phụ nữ trong nền kinh tế xanh” ngày 12/4/2024 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh xã hội, … cùng đại diện nhiều tổ chức phát triển và các doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Phương Nam, Giám đốc điều hành KLINOVA cùng các chuyên gia của công ty tham dự sự kiện với mong muốn mở rộng mạng lưới kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Các phần trình bày của các diễn giả trong nước và quốc tế đều khẳng định vai trò quan trọng và tiềm lực mạnh mẽ của phụ nữ lĩnh vực kinh tế xanh, coi đây là chìa khóa để phát triển bền vững. Đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) Lương Như Oanh khẳng định không thể đạt mục tiêu phát triển bền vững nếu phụ nữ không được trao quyền và tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, trong khi chuyên gia Franziska Deininger của IFC nhấn mạnh thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó biến đổi khí hậu là những vấn đề có quan hệ tương hỗ, đặc biệt đối với Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Từ góc nhìn của một nữ doanh nhân, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard&Chatered tại Việt Nam đánh giá lĩnh vực chuyển đổi xanh có thể mang lại nhiều cơ hội sinh kế và phát triển cho phụ nữ, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố đào tạo và trao công cụ khi cấp vốn cho các dự án xanh. Với tư cách của cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục quản lý Doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Trịnh Thị Hương, cho rằng việc thúc đẩy song hành bình đẳng giới và phát triển bền vững không chỉ có hiệu quả kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về cam kết khí hậu, và để thực hiện mục tiêu đó cần sự chung tay hành động của cả cộng đồng. Bà Trịnh Thị Hương nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải bắt tay vào hành động để hiện thực hóa những cam kết đã đề ra.

Tham dự hội thảo, các nữ doanh nhân nói riêng và khu vực tư nhân nói chung nhận thức rõ hơn lợi ích và triển vọng khi tham gia thúc đẩy nền kinh tế xanh, đồng thời cũng có cơ hội tiếp cận những nguồn và công cụ hỗ trợ thực chất và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi xanh.

Là đơn vị tiên phong về tư vấn đổi mới khí hậu, KLINOVA mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong các lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính, xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, báo cáo thực hành ESG. Với mạng lưới đối tác là các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, các tổ chức phát triển và kinh nghiệm tư vấn hoạch định chính sách, KLINOVA sẵn sàng kết nối và giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ nói riêng, nâng cao khả năng tiếp cận các hỗ trợ tài chính, phi tài chính để thích ứng biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi xanh được nhanh và hiệu quả.