Tin tức

ĐIỂM TUẦN: NGÀY 09 - 13/12

09:00 | 15/12/2024

Chung kết cuộc thi thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2024; Chung khảo cuộc thi Startup tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam; Tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chấm điểm tín dụng là những tin nổi bật trong tuần qua.

CHUNG KẾT CUỘC THI THỬ THÁCH SÁNG TẠO XÃ HỘI VIỆT NAM 2024

Ngày 08/12, Thử thách Sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC) khu vực Miền Bắc đã khép lại mùa thứ 13 với nhiều dự án khởi nghiệp xã hội độc đáo hướng đến phát triển bền vững. Đội thi GypFoam đã xuất sắc giành ngôi quán quân với đề án “Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp & công nghiệp”.

VSIC là cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho người trẻ trên toàn quốc, tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp nâng cao chất lượng cuộc sống tại Việt Nam. Mục tiêu của VSIC là kiến tạo cộng đồng sinh viên khởi nghiệp uy tín và chất lượng thông qua việc thúc đẩy giới trẻ thực hiện các dự án kinh doanh giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Tham gia với vai trò giám khảo, TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA đánh giá cao các dự án tại cuộc thi năm nay. Ông cũng đưa ra những nhận xét và gợi ý quan trọng giúp các thí sinh hoàn thiện sáng kiến, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy SDGs tại Việt Nam.

CHUNG KHẢO CUỘC THI STARTUP TẠO GIẢI PHÁP CHO TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 10/12, TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA tham gia Hội đồng chung khảo “Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Cuộc thi do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường triển khai tổ chức. Mục đích của cuộc thi là lựa chọn được các sản phẩm tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô trên toàn quốc. Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, kết nối các Startup với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển bền vững của các dự án. Thời gian dự kiến công bố kết quả và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 17/12.

HUY ĐỘNG TÀI CHÍNH CHO GIẢI PHÁP Ô NHIỄM NHỰA TẠI VIỆT NAM

Ngày 12/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thông qua Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tổ chức Hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 90 đại biểu, gồm đại diện các bộ, ngành, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế thuộc mạng lưới NPAP.

Trong bối cảnh Phiên đàm phán Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) về Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa vừa kết thúc, Hội thảo diễn ra nhằm tìm kiếm các giải pháp tài chính thiết thực và khả thi, đồng thời đóng góp vào việc chuẩn bị cho Việt Nam triển khai Thỏa thuận Toàn cầu cũng như xây dựng các đề xuất có thể lồng ghép vào kế hoạch quốc gia phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, nhấn mạnh: “Theo OECD, để chấm dứt ô nhiễm nhựa, thế giới cần huy động khoảng 2,1 nghìn tỷ USD từ 2020 đến 2040. Tại Việt Nam, việc giảm ô nhiễm nhựa, áp dụng mô hình tuần hoàn và chuyển đổi ngành sản xuất cũng đòi hỏi đầu tư lớn. Việt Nam cần chuẩn bị tích cực cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình NPAP và thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, hướng đến một tương lai bền vững”.

Hội thảo gồm hai phiên chính, tập trung vào các khung chính sách, nguồn lực tài chính và cơ hội đầu tư xanh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Trong Phiên 1, các đại biểu chia sẻ và thảo luận về các công cụ tài chính hỗ trợ xử lý ô nhiễm nhựa. Sang Phiên 2, hội thảo tập trung vào việc thảo luận và đề xuất các khuyến nghị triển khai giải pháp tài chính phù hợp cho vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Đại diện KLINOVA chị Vũ Hương Ly, Chuyên gia Phát triển Bền vững cùng các doanh nghiệp đã tham gia trao đổi các giải pháp quản lý chất thải nhựa, điều này giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác công-tư trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, đồng thời xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

TĂNG CƯỜNG TIẾP CẬN TÀI CHÍNH CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ THÔNG QUA CHẤM ĐIỂM TÍN DỤNG

Ngày 12/12, Đại diện KLINOVA, anh Đỗ Anh Minh - Chuyên gia phát triển bền vững đã tham dự hội thảo “Tăng cường tiếp cận tài chính thông qua chấm điểm tín dụng” do Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (Dự án USAID IPSC) triển khai. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức về chấm điểm tín dụng – một công cụ thiết yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cải thiện hồ sơ tài chính, từ đó mở rộng cơ hội vay vốn. 

Với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng, fintech hàng đầu, chương trình tập trung giúp doanh nghiệp hiểu rõ các khái niệm cơ bản, mục đích và các yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng. Đặc biệt, các phiên thảo luận làm sáng tỏ cách thức các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng điểm tín dụng để đánh giá năng lực doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu các chiến lược thực tiễn nhằm xây dựng hồ sơ tín dụng vững mạnh. Ngoài ra, phiên hỏi đáp tương tác đã giúp các doanh nghiệp được định hướng chi tiết về quy trình xin vay vốn.

+84 (0) 33 445 7778