Tăng trưởng tương thích với biến đổi khí hậu và ESG; Hội thảo quốc tế tái cân bằng thương mại và quản lý rừng bền vững; Lễ trao giải cuộc thi Startup giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là những tin nổi bật trong tuần qua.
TĂNG TRƯỞNG TƯƠNG THÍCH VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ESG
Sáng 17/12, Tọa đàm “Các vấn đề về tăng trưởng tương thích với biến đổi khí hậu và ESG” đã diễn ra trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình nghiên cứu Tăng trưởng tương thích với khí hậu (CCG), Vương Quốc Anh.
Sự kiện được tổ chức nhằm cập nhật hoạt động của CCG, tình hình thực hiện các dự án và kế hoạch tài trợ mới trong năm 2025. Đồng thời, đây là dịp ra mắt Nhóm chuyên môn đặc biệt (SIG) về Kinh tế tuần hoàn, giới thiệu Chiến lược quốc gia (Vietnam Country Strategy), khung giám sát tiến độ dự án và cơ chế đánh giá các nhóm nghiên cứu để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động nghiên cứu. Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ về ESG và tiềm năng ứng dụng vào các dự án của CCG tại Việt Nam. Trong đó TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA đề xuất tăng cường hợp tác giữa các đối tác trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả khung giám sát dự án và tận dụng nguồn lực quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên và giảm thiểu rủi ro khí hậu.
Toạ đàm thu hút sự tham gia của đại điện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các viện và trường đại học, tạo cơ hội kết nối và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực phát triển bền vững.
HỘI THẢO QUỐC TẾ TÁI CÂN BẰNG THƯƠNG MẠI VÀ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
Chiều 17/12, Hội thảo quốc tế "Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững" đã diễn ra, do Viện Nghiên cứu Sáng tạo (FICR) của Trường Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức cùng Đại học Laval (Canada), Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị Việt Nam, Đại học Rennes II và Đại học Rennes (Pháp), với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Hội thảo kéo dài hai ngày (17-18/12) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng giảng viên, sinh viên nhằm trao đổi ý tưởng sáng tạo và giải pháp phát triển thương mại gắn với quản lý rừng bền vững.
Điểm nhấn của sự kiện là Lễ ra mắt Mạng lưới nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững, quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau, trong đó có sự tham gia của TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA. Đây là bước tiến quan trọng nhằm kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng có tính thực tiễn và thương mại hóa.
Hội thảo gồm 06 phiên tham luận chính với phiên đầu tiên tập trung phân tích thách thức, cơ hội và định hướng chiến lược dài hạn cho ngành lâm nghiệp. Phiên thứ hai nhấn mạnh công nghệ với các giải pháp quản trị rừng thông minh. Phiên thứ ba làm rõ vai trò của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ trong xây dựng chính sách bền vững, phiên thứ tư phân tích tác động của các chính sách quốc gia và hiệp định thương mại đến quản lý rừng. Hai phiên cuối bàn về các giải pháp cho mô hình kinh tế bền vững trong ngành lâm nghiệp. Sự kiện đã góp phần thúc đẩy thương mại bền vững và bảo tồn tài nguyên rừng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.
TRAO GIẢI CUỘC THI STARTUP GIẢI PHÁP CHO TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 2024
Ngày 17/12, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Startup-Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024. Tham dự Lễ trao giải có sự góp mặt của Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường; Ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường; Đại diện Tạp chí Kinh tế Việt Nam; Ông Nguyễn Phương Nam, CEO KLINOVA, Đánh giá viên quốc tế của của UNFCCC; cùng hơn 100 cá nhân và tổ chức có dự án đoạt giải.
Giải nhất cuộc thi đã được trao cho 02 Dự án: "Thu gom - tái chế vỏ hộp sữa thành sản phẩm thương mại" của nhóm tác giả từ Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam và "NetZero Pallet" của tác giả Lê Thanh từ Công ty Cổ phần Veritas Việt Nam. Đồng thời đã có 2 Giải Nhì, 6 Giải Ba và 8 Giải Khuyến khích được trao. Các tác phẩm dự thi năm nay tập trung vào nhiều lĩnh vực gồm: Ứng dụng Công nghệ thông tin-kỹ thuật trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; Tái chế nhựa, tái sử dụng các chất thải, phế phẩm nông nghiệp; Sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sinh khối, phân bón sinh học; Nông trại hữu cơ, sản xuất các sản phẩm xanh, sinh thái; Giáo dục bảo vệ môi trường; Phát huy giá trị văn hóa, đa dạng sinh học bản địa và nâng cao sinh kế cộng đồng địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số….
Trong năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp đột phá để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.