ESG là cụm viết tắt chữ cái đầu tiên của 3 từ tiếng Anh Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance), tạo thành bộ ba tiêu chuẩn nhằm đánh giá một cách toàn diện tác động của một doanh nghiệp, tổ chức đối với cộng đồng. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030 và tuân thủ Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, yếu tố tác động xã hội và môi trường cũng là những tiêu chí quan trọng để đánh giá tính bền vững trong hoạt động của các doanh nghiệp, bên cạnh những mối quan tâm về lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các chiến lược ESG nhằm thích ứng với xu thế và nắm lấy các lợi thế cạnh tranh. Theo một khảo sát của KPMG năm 2021, 37% CEO được khảo sát tại Mỹ cho rằng việc thực hiện chiến lược ESG đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tình hình tài chính của công ty. Đến năm 2022, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi, lên tới 70%.
Việc thực hiện chiến lược ESG thực tế có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn của doanh nghiệp khi phải đầu tư vào các hệ thống, công nghệ mới, đào tạo nhân viên, v.v. Tuy nhiên về dài hạn, doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả sẽ có cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh.
- Nâng cao uy tín, thương hiệu, tiếp cận tệp khách hàng lớn hơn
Trước xu hướng phát triển bền vững hiện nay, khách hàng ngày càng đề ra tiêu chuẩn cao hơn đối với các doanh nghiệp. Chất lượng tốt, giá cả hợp lý không còn là những tiêu chí duy nhất khách hàng quan tâm tới khi đánh giá sản phẩm, dịch vụ; họ cũng quan tâm đến việc doanh nghiệp có thực hiện tốt các trách nhiệm đối với môi trường và xã hội hay không. Theo kết quả một khảo sát của KPMG vào năm 2022, trong số 30.000 người được hỏi có 86% cho rằng nên thực hiện lối sống bền vững, 69% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn khi mua hàng từ một công ty tuân theo các giá trị phù hợp với giá trị của bản thân họ, và 64% muốn có sự minh bạch về tác động môi trường của các sản phẩm họ mua. Rõ ràng, việc thực hiện tốt ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao đáng kể uy tín, hình ảnh thương hiệu, đồng thời tiếp cận được tệp khách hàng quan tâm tới các yếu tố môi trường và xã hội vốn ngày càng đông đảo.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động
Về lâu dài, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí vận hành khi đầu tư vào các biện pháp chuyển đổi xanh, ví dụ như tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả nhiên liệu, giảm chi phí đầu vào, v.v. khi chuyển sang công nghệ mới thân thiện với môi trường hơn hoặc sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế. Vinamilk, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện ESG tại Việt Nam, cho biết đã tiết kiệm được 237 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2021 nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Không chỉ gói gọn trong phạm vi hoạt động, doanh nghiệp thực hành ESG cũng có thể tạo ra tác động xuyên suốt chuỗi cung ứng thông qua hợp tác với các đối tác có định hướng phát triển bền vững và thực hành tốt các cam kết về môi trường, xã hội. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có sức chống chịu tốt hơn trước những biến động trong chuỗi cung ứng cũng như tình hình bất ổn định kinh tế – chính trị trên thế giới. Thêm vào đó, nâng cao các biện pháp quản trị, đảm bảo tính minh bạch cũng là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn.
- Tiếp cận nguồn vốn đầu tư, vốn vay bền vững
Một báo cáo toàn cầu năm 2022 của KPMG cho biết 87% nhà đầu tư coi việc đầu tư vào các công ty thực hành ESG là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển danh mục đầu tư của mình. Việc doanh nghiệp có chiến lược ESG trong dài hạn cho thấy rằng họ có tiềm năng phát triển bền vững hơn so với đối thủ và ít nguy cơ bị tổn thương hơn trước những biến động về quy định, kinh tế – xã hội và môi trường, vì vậy mang hiệu quả đầu tư tốt hơn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế đầu tư bền vững, các cơ chế mới về tín dụng xanh và trái phiếu xanh hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện tốt ESG đứng trước cơ hội lớn trong việc thu hút nguồn vốn và tăng trưởng mạnh mẽ.
- Mở rộng thị trường
Việc tuân thủ theo các thực hành tốt về môi trường, xã hội và quản trị cũng có thể mang lại cơ hội mở rộng và cạnh tranh tại các thị trường khó tính cho doanh nghiệp. Mới đây, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực, theo đó áp thuế carbon lên một số mặt hàng phát thải nhiều carbon như xi măng, thép, nhôm,… khi nhập khẩu vào thị trường EU. Đây là thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội tốt dành cho doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững qua các chiến lược ESG hiệu quả. Với một định hướng rõ ràng trong việc thực hiện ESG, doanh nghiệp có cơ hội đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn với yêu cầu cao về các yếu tố môi trường, xã hội, và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.