Sáng 13/11, Tuần lễ Khí hậu Châu Á-Thái Bình Dương (APCW) 2023 đã khai mạc tại thành phố Johor Bahru của Malaysia. APCW 2023 là tuần lễ thứ tư trong chuỗi Tuần lễ Khí hậu Khu vực năm nay và là cuộc họp lớn cuối cùng của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước thềm Hội nghị COP28 sắp diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong thời gian từ nay đến ngày 17/11, APCW 2023 sẽ tổ chức 250 sự kiện, bao gồm các hội thảo, tọa đàm và đối thoại với mục đích lớn nhất là cùng nhau giải quyết những thách thức cấp bách, khơi dậy tham vọng và lòng quyết tâm tìm ra các giải pháp khí hậu khi Hội nghị COP28 đang tới gần.

Hơn 2.000 đại biểu trong khu vực sẽ tham dự chuỗi sự kiện này, gồm đại diện của các chính phủ và chính quyền địa phương, cộng đồng bản địa, xã hội dân sự và khu vực tư nhân. Trong số các đại diện của Việt Nam có bà Nguyễn Thị Minh Huệ – Chuyên gia đánh giá quốc tế của UNFCCC, Quản lý Dự án của Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA.
Chương trình nghị sự của APCW 2023 sẽ tập trung quanh 4 chủ đề chính, mỗi sự kiện được điều chỉnh để cung cấp những hiểu biết cụ thể theo khu vực nhằm hỗ trợ việc kiểm kê toàn cầu – đánh giá đầu tiên về hành động khí hậu toàn cầu theo Thỏa thuận Paris và sẽ được kết luận tại Hội nghị COP28 sắp tới. Bốn chủ đề này bao gồm (i) hệ thống năng lượng và công nghệ; (ii) phát triển đô thị và nông thôn, cơ sở hạ tầng và giao thông; (iii) sử dụng đất, đại dương, thực phẩm và nước và (iv) các khía cạnh kinh tế xã hội, sức khỏe và sinh kế.

Các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải vật lộn với một loạt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong năm qua, khu vực này chứng kiến sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán và nước biển dâng, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải phối hợp hành động về khí hậu. Mặt khác, khu vực này là một nguồn tiềm năng của các giải pháp khí hậu. Với cảnh quan đa dạng, các khu rừng tươi tốt, rừng ngập mặn ven biển và các rạn san hô nguyên sơ, nơi đây đóng vai trò là vùng đệm tự nhiên chống lại các thảm họa liên quan đến khí hậu. Cam kết mạnh mẽ của khu vực về năng lượng sạch, bao gồm thủy điện, gió và năng lượng mặt trời, không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra hàng triệu việc làm và thu hút đầu tư. Điều này giúp Châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực dẫn đầu trong phát triển sạch toàn cầu.

APCW 2023 nói riêng và Các Tuần lễ Khí hậu Khu vực nói chung tạo ra một nền tảng để các nhà hoạch định chính sách, những người thực hiện, doanh nghiệp và xã hội dân sự trao đổi về các giải pháp khí hậu, những rào cản cần khắc phục và những cơ hội ở các khu vực khác nhau./.