Tin tức

Kiểm kê khí nhà kính là gì?

17:00 | 11/01/2025

1. Kiểm kê khí nhà kính là gì?  
Kiểm kê khí nhà kính (KNK) thường được hiểu là việc tính toán, định lượng và đánh giá lượng phát thải khí nhà kính từ các nguồn phát thải của một quốc gia, khu vực hoặc doanh nghiệp trong phạm vi và thời gian xác định. 
Tại Việt Nam, kiểm kê khí nhà kính được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP về "Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn" là “hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải KNK, tính toán lượng phát thải, hấp thụ KNK trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành”

2. Mục đích của kiểm kê khí nhà kính là gì? 
Kiểm kê KNK nhằm xác định nguồn và lượng KNK phát thải từ các hoạt động của con người và cung cấp thông tin cần thiết để đánh giá tác động với khí hậu. Thông qua việc theo dõi và đánh giá dữ liệu kiểm kê, các chương trình giảm phát thải KNK được điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.  

3. Ứng dụng kiểm kê khí nhà kính là gì? 
3.1. Ở cấp độ quốc gia 

  • Tuân thủ cam kết quốc tế: Kiểm kê khí nhà kính giúp quốc gia theo dõi và báo cáo phát thải theo yêu cầu của các thỏa thuận quốc tế (như Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu), đảm bảo việc tuân thủ và sự minh bạch trong thực thi các cam kết quốc tế về khí hậu, khẳng định uy tín và trách nhiệm của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. 
  • Đánh giá tổng lượng phát thải quốc gia: Kiểm kê KNK giúp quốc gia đánh giá tổng lượng phát thải từ các lĩnh vực khác nhau, xác định các nguồn phát thải chính và các lĩnh vực cần tập trung giảm phát thải.
  • Hỗ trợ xây dựng chính sách khí hậu quốc gia: Dữ liệu từ kiểm kê KNK giúp quốc gia hiểu và quản lý phát thải từ đó có những đánh giá quan trọng để xây dựng và phát triển các chiến lược giảm phát thải hiệu quả.
  • Giám sát tiến độ các mục tiêu khí hậu: Thông qua kiểm kê KNK, quốc gia có thể theo dõi lượng phát thải và đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu (như NDCs, Net Zero), đồng thời kiểm kê KNK là cơ sở quan trọng để quốc gia đạt được các mục tiêu này. 
  • Hỗ trợ xây dựng thị trường trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon: Kiểm kê KNK giúp quốc gia định lượng mức độ phát thải của các lĩnh vực, cơ sở khác nhau, từ đó có phương án phân bổ hạn ngạch và vận hành thị trường tín chỉ các-bon.

3.2. Ở cấp độ khu vực

  • Đánh giá tổng lượng phát thải của địa phương: Kiểm kê KNK giúp xác định tổng lượng phát thải từ các lĩnh vực khác nhau, các nguồn phát thải chính và các lĩnh vực cần tập trung giảm phát thải tại một khu vực.
  • Hỗ trợ xây dựng chính sách giảm phát thải hiệu quả: Dữ liệu kiểm kê KNK cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng và thực hiện các chiến lược giảm phát thải phù hợp đối với từng khu vực.
  • Giám sát tiến độ thực hiện các chính sách giảm phát thải: Thực hiện kiểm kê KNK giúp theo dõi lượng phát thải và đánh giá hiệu quả của các chính sách khí hậu đã triển khai tại từng khu vực.

3.3. Ở cấp độ doanh nghiệp

  • Tuân thủ quy định pháp luật: Hiện nay, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đã đưa ra rất nhiều quy định về kiểm kê KNK. Vì vậy, việc thực hiện kiểm kê KNK là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật.
  • Đánh giá và quản lý phát thải: Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp xác định các nguồn phát thải chính và mức độ phát thải để có kế hoạch giảm phát thải phù hợp.
  • Nâng cao giá trị thương hiệu và tiếp cận nguồn đầu tư xanh: Việc thực hiện kiểm kê KNK giúp doanh nghiệp đạt điều kiện cần để đáp ứng xu hướng phát triển bền vững của thị trường, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và cơ hội tiếp cận các nguồn đầu tư xanh hiện nay. 
  • Tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh: Thông qua kiểm kê KNK doanh nghiệp nhận diện các nguồn phát thải từ đó tiêu thụ hiệu quả năng lượng và nguyên liệu thô, góp phần cắt giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả kinh tế.
  • Tham gia thị trường các-bon: Bằng việc kiểm kê KNK, doanh nghiệp có thể xác định số lượng tín chỉ các-bon mà họ tích lũy được từ việc giảm phát thải để tham gia trao đổi trên thị trường các-bon.

Doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo tiêu chí Xã hội trong ESG?

Doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo tiêu chí Xã hội trong ESG?

Khía cạnh “S – Society” hay khía cạnh Xã hội trong tiêu chuẩn ESG bao gồm các tiêu chí xã hội ...
Trao công cụ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp

Trao công cụ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp

Trong hai ngày 29-30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực doanh nghiệp để ...
+84 (0) 33 445 7778