Tin tức  Kiến thức xanh   Phát triển bền vững

Thị trường các-bon tự nguyện Gold Standard

07:40 | 14/04/2025

Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu, nhu cầu giảm phát thải các-bon trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp. Bên cạnh các cơ chế thị trường các-bon bắt buộc do chính phủ thiết lập, thị trường các-bon tự nguyện (Voluntary Carbon Market - VCM) đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò bổ trợ quan trọng trong nỗ lực toàn cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong số các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, Gold Standard (GS) được đánh giá là một trong những hệ thống chứng nhận tín chỉ các-bon uy tín và nghiêm ngặt nhất.

Được thành lập vào năm 2003 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và một số tổ chức phi chính phủ, GS hướng tới việc bảo đảm rằng mỗi tín chỉ các-bon không chỉ đại diện cho việc giảm phát thải khí nhà kính, mà còn mang lại những lợi ích xã hội và môi trường bền vững. Các dự án muốn đạt được chứng nhận của GS phải trải qua quy trình đánh giá khắt khe và trải qua ít nhất 2 vòng tham vấn các bên liên quan. Điều kiện đầu tiên là dự án phải chứng minh được lượng khí thải CO₂ giảm hoặc hấp thụ là hoàn toàn khả thi, có thể đo lường và kiểm chứng độc lập. Đồng thời, dự án phải đảm bảo tính bổ sung, nghĩa là việc giảm phát thải chỉ xảy ra nhờ sự hoạt động của dự án đó, chứ không phải diễn ra một cách tự nhiên.

Một yêu cầu đặc biệt khác của GS là mỗi dự án phải đóng góp vào ít nhất ba trong số mười bảy Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do Liên Hợp Quốc đề ra, trong đó bắt buộc phải có Mục tiêu 13: Hành động vì khí hậu . Toàn bộ quá trình thẩm định được thực hiện bởi các tổ chức độc lập nhằm bảo đảm tính minh bạch và khách quan. Sau khi vượt qua các bước đánh giá này, dự án sẽ được cấp tín chỉ các-bon loại GS-VERs (Gold Standard-Verified Emission Reductions), tương đương với mỗi tấn CO₂ được giảm hoặc hấp thụ.

Cách tiếp cận của GS được xây dựng dựa trên bốn mục tiêu chiến lược rõ ràng. Trước hết, tổ chức này tập trung vào việc nâng cao tham vọng, truyền cảm hứng cho các tổ chức công và tư nhân trong việc chủ động thực hiện Thỏa thuận Paris và các SDGs. Đồng thời, GS phát triển các giải pháp và đảm bảo tác động thông qua việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, công cụ và hướng dẫn nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn tài chính khí hậu, đi kèm hệ thống thẩm định nghiêm ngặt để xác minh kết quả đạt được nhằm tránh tính trạng Tính hai lần (Double counting). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân trong hệ sinh thái khí hậu, GS thiết lập các công cụ và phương pháp hỗ trợ nhằm tối ưu hóa việc áp dụng tiêu chuẩn GS cho các Mục tiêu Toàn cầu. Cuối cùng, GS cam kết vận hành một cách xuất sắc các dự án tín chỉ các-bon được thực hiện, với mục tiêu xây dựng một bộ máy vận hành ổn định về tài chính và duy trì văn hóa hoạt động chất lượng cao, nhằm hỗ trợ lâu dài cho toàn bộ các mục tiêu chiến lược.

GS tạo nên sự khác biệt không chỉ ở yêu cầu kỹ thuật mà còn ở cam kết đóng góp vào lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Các tín chỉ các-bon được chứng nhận theo tiêu chuẩn này thường có giá trị cao hơn trên thị trường, khi doanh nghiệp mua tín chỉ không chỉ để bù đắp phát thải mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội và cam kết phát triển bền vững. Theo số liệu cập nhật của tổ chức này đến tháng 03/2024, GS đã phát hành hơn 220 triệu tín chỉ các-bon và chứng nhận cho hơn 2.900 dự án trên toàn thế giới.


Dù được đánh giá cao về độ tin cậy, việc phát triển một dự án đạt chứng nhận GS không phải là điều dễ dàng. Chi phí thực hiện, quy trình đánh giá chặt chẽ và thời gian phê duyệt kéo dài là những thách thức lớn đối với các nhà phát triển dự án, đặc biệt là các sáng kiến nhỏ hoặc ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện ngày càng chú trọng đến tính minh bạch và hiệu quả thực tế, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như GS đang trở thành xu hướng chủ đạo.
 

GS cũng đang thử nghiệm nhiều đổi mới nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường, bao gồm việc áp dụng công nghệ số để giám sát và đo lường tác động dự án theo thời gian thực. Những sáng kiến này được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố vị thế của GS  trong việc dẫn dắt thị trường các-bon tự nguyện phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.

 

 

 

Thị trường Các-bon Châu Âu

Thị trường Các-bon Châu Âu

Châu Âu là khu vực tiên phong trong xây dựng và vận hành thị trường giao dịch quyền phát thải các-bon ...
Góc Nhìn Cận Cảnh: Hệ Thống Giao Dịch Phát Thải Quốc Gia Của Trung Quốc (ETS)

Góc Nhìn Cận Cảnh: Hệ Thống Giao Dịch Phát Thải Quốc Gia Của Trung Quốc (ETS)

Ra mắt vào năm 2021, Hệ thống Giao dịch Phát thải Quốc gia (ETS) của Trung Quốc nhằm mục tiêu kiểm ...
+84 (0) 33 445 7778