Tin tức

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC THỰC HIỆN ĐIỀU 6 THOẢ THUẬN PARIS TẠI VIỆT NAM

19:00 | 10/12/2024

Hội thảo kỹ thuật Tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 thoả thuận Paris tại Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến quốc tế Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris (A6IP) vừa diễn ra, nhằm thảo luận xây dựng năng lực chuyên sâu về thực hiện Điều 6 tại Việt Nam.

Ngày 10/12, Cục Biến đổi khí hậu (DCC), Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) phối hợp cùng Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 thoả thuận Paris tại Việt Nam”.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris (A6IP)” do Nhật Bản khởi xướng tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) năm 2022. Mục tiêu của hội thảo là xây dựng năng lực chuyên sâu về thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris tại Việt Nam và hướng dẫn triển khai các quy trình cấp phép, theo dõi, báo cáo và đánh giá, với trọng tâm là chuẩn bị Báo cáo ban đầu theo Điều 6.2 của Việt Nam.

(Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu khai mạc hội thảo)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết Điều 6 Thỏa thuận Paris thiết lập nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, nhằm nâng cao mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các cơ chế thị trường và phi thị trường. Đây là một vấn đề mới không chỉ đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt tại Hội nghị COP29 vừa qua, các quốc gia tham gia đã thông qua và thiết lập các tiêu chuẩn mới cho Điều 6 Thỏa thuận Paris, mở ra cơ hội lớn cho việc triển khai các cơ chế hợp tác quốc tế hiệu quả hơn. 

Hội thảo gồm hai phiên, với phiên đầu tiên là phần chia sẻ về chuyên môn của các đại biểu. Đại diện DCC đã trình bày về khung định giá carbon của Việt Nam, trong khi đại diện UNFCCC RCC Asia-Pacific có những cập nhật về Điều 6 và tham vọng NDCs thông qua Điều 6.

(Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về Khung định giá Carbon tại Việt Nam)
(Ông Jens Radschinski, Chuyên gia về định giá Carbon và Điều 6 tại Trung tâm Hợp tác Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNFCCC, chia sẻ các cập nhật về Điều 6 và nâng cao tham vọng NDCs thông qua Điều 6)

Đánh giá tiềm năng kinh tế thông qua thực hiện Điều 6 và vai trò của tư nhân trong thúc đẩy thị trường các-bon, TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty cổ phần Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA cho biết Điều 6 giúp giảm chi phí thực hiện NDCs, tăng cường tham vọng và hỗ trợ vào phát triển bền vững, trong đó tư nhân được huy động tích cực trong việc thực thi Điều 6. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong thực hiện Điều 6. Điều này không chỉ riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Sau COP29, mặc dù các quốc gia đã cam kết thúc đẩy thực hiện các cơ chế hợp tác theo Điều 6, nhưng vẫn còn không ít khó khăn trong việc triển khai, bao gồm việc chưa có cơ quan trung lập thu thập và xử lý thông tin, cũng như vấn đề minh bạch và đảm  bảo tính toàn vẹn của các tín chỉ carbon. Vì vậy, việc hợp tác giữa các lĩnh vực, quốc gia và chính phủ là cực kỳ quan trọng.

(TS. Nguyễn Phương Nam, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA chia sẻ về tiềm năng kinh tế của Điều 6 và vai trò của khu vực tư nhân)

Các đại diện IGES có phần phân tích các quy định về chấp thuận theo Điều 6.2. Về phía KLINOVA, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Dự án đã trình bày về quy định báo cáo và đánh giá thực hiện theo Điều 6.

(TS. Phạm Ngọc Bảo, Trưởng nhóm khu vực Đông Nam Á tại A6IP/IGES trình bày về quy định chấp thuận theo Điều 6.2)
(Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Dự án KLINOVA trình bày về quy định báo cáo và đánh giá thực hiện theo Điều 6.2)

Tại phiên thứ hai, các đại biểu đã thực hành đánh giá, phê chuẩn dự án đủ điều kiện đăng ký theo Điều 6 Thỏa thuận Paris và xây dựng thư chấp thuận. Hoạt động này nhằm giúp các đại biểu vận dụng kiến thức từ các chuyên gia để hiểu rõ các tiêu chí và phương pháp đánh giá một cách chính xác, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.

(Ông Chatthep Chanyam, Chuyên gia kỹ thuật Biến đổi khí hậu tại IGES, hướng dẫn xem xét việc chấp thuận)

Hội thảo là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nâng cao hiểu biết và và chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế về các quy định của Điều 6 và mối liên hệ với NDCs, từ đó xây dựng năng lực cho các quy trình cấp phép, theo dõi, báo cáo, đánh giá theo Điều 6 và chuẩn bị Báo cáo ban đầu chất lượng và kịp thời.

+84 (0) 33 445 7778