Tin tức

TỔNG KẾT COP29: NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

14:15 | 24/11/2024

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đã kết thúc sau hai tuần đàm phán tích cực với không ít tranh luận căng thẳng, song cũng có những bước tiến rất đáng hoan nghênh.
Thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon

COP29 đã có bước đột phá quan trọng đầu tiên là đạt đồng thuận về cách thức hoạt động của thị trường carbon, bao gồm giao dịch giữa các quốc gia (Điều 6.2) và cơ chế tín chỉ carbon (Điều 6.4). Thỏa thuận tại Điều 6.2 cung cấp về cách các quốc gia cấp phép cho giao dịch tín chỉ carbon và cách các cơ quan đăng ký theo dõi hoạt động. Trong khi đó, cơ chế Điều 6.4 cho phép tạo ra một thị trường carbon tập trung dưới sự quản lý của LHQ sẽ mang lại lợi ích tài chính cho các quốc gia đang phát triển, với những hỗ trợ năng lực cần thiết để tham gia vào thị trường. Cơ chế này cũng yêu cầu các dự án phải tuân thủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và nhân quyền, bao gồm việc đảm bảo sự đồng thuận rõ ràng từ các cộng đồng bản địa. Ngoài ra, những người bị ảnh hưởng bởi dự án có quyền kháng cáo hoặc khiếu nại. Công việc về thị trường carbon sẽ tiếp tục sau COP29, với một danh sách việc cần làm đến năm 2025 cho cơ quan giám sát thiết lập cơ chế tín chỉ carbon mới.

Đạt thỏa thuận mới về tài chính khí hậu  

Gần 200 quốc gia đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu, với mục tiêu tăng gấp ba lần tài chính công cho các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035. Thỏa thuận này, được gọi là New Collective Quantified on Climate Finance (NCQG), cũng đặt ra mục tiêu huy động tổng cộng 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm từ cả nguồn công và tư cho các quốc gia đang phát triển. Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell nhấn mạnh mục tiêu tài chính mới này là một "chính sách bảo hiểm cho nhân loại" trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Stiell lưu ý rằng thỏa thuận chưa đáp ứng đầy đủ mong đợi của tất cả các bên và cần nhiều công việc hơn trong năm tới. Các kế hoạch khí hậu quốc gia (NDCs) mới sẽ được trình bày vào năm sau, với yêu cầu bao phủ tất cả khí nhà kính và các lĩnh vực để giữ mức tăng nhiệt độ trong giới hạn 1,5°C. 

Báo cáo khí hậu minh bạch có bước tiến lớn 

Tại COP29 ở Baku, tiến bộ đáng kể đã được đạt được trong việc báo cáo khí hậu minh bạch, góp phần tăng cường chính sách khí hậu và xác định nhu cầu tài chính. 13 quốc gia, đã nộp Báo cáo Minh bạch hai năm một lần (BTR). Andorra, Azerbaijan, Liên minh Châu Âu, Đức, Guyana, Nhật Bản, Kazakhstan, Maldives, Hà Lan, Panama, Singapore, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu về báo cáo khí hậu minh bạch, làm gương cho các nước khác. Nhìn chung các vấn đề về minh bạch đã được giải quyết thành công tại COP29, với sự hoàn thành của các công cụ báo cáo mới cho Khung tăng cường minh bạch (ETF) của Thỏa thuận Paris. Ngoài ra, 42 sự kiện đã được tổ chức trong khuôn khổ sáng kiến #Together4Transparency nhấn mạnh vai trò quan trọng của minh bạch trong việc chuẩn bị các kế hoạch khí hậu (NDCs) và lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Một cam kết trị giá 3 triệu bảng từ UK International Forest Unit đã được công bố để hỗ trợ các hoạt động REDD+, nhằm tăng cường tính minh bạch và thực hiện REDD+ theo mục tiêu toàn cầu về ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng và suy thoái rừng vào năm 2030.    

Mục tiêu toàn cầu về thích ứng biến đổi khí hậu 

COP29 đã đánh dấu một bước quan trọng trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều kết quả chủ chốt. Quyết định của COP liên quan đến các nước kém phát triển (LDCs) đã thiết lập chương trình hỗ trợ thực hiện Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAPs) cho các LDCs. Các bên đã thảo luận sâu rộng về đánh giá tiến độ năm năm lần thứ hai trong việc xây dựng và thực hiện NAPs, và sẽ tiếp tục vào tháng 6 năm 2025. Đối thoại cấp cao về NAPs quy tụ các bộ trưởng từ các LDCs và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đã thảo luận tập trung vào đổi mới tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và hành động nhanh chóng để đáp ứng thời hạn nộp NAPs vào năm 2025. COP29 đã thiết lập lộ trình thích ứng Baku và đối thoại cấp cao Baku về thích ứng để tăng cường thực hiện Khung UAE, đồng thời nâng cao tham vọng bằng việc tiếp tục phát triển thích ứng biến đổi khí hậu chuyển đổi trong tương lai. Đặc biệt COP29 nâng cao tiếng nói của các cộng đồng địa phương và người dân bản địa trong hành động khí hậu, thông qua Kế hoạch Công tác Baku và gia hạn nhiệm vụ của Nhóm Công tác hỗ trợ (FWG) thuộc Nền tảng Cộng đồng Địa phương và Người bản địa (LCIPP). Quyết định này ghi nhận sự tiến bộ của FWG trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các bên và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của LCIPP  trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. 

Giới tính và biến đổi khí hậu; Sự tham gia của trẻ em và giới trẻ

Tại COP29, các quốc gia đã thông qua quyết định kéo dài Chương trình Công tác Lima về Giới và Biến đổi Khí hậu thêm 10 năm, tái khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới và thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu. Các bên cũng đồng ý xây dựng một kế hoạch hành động giới mới sẽ trình bày tại COP30. COP29 khẳng định tầm quan trọng của việc trao quyền cho tất cả các bên trong hành động khí hậu, nhấn mạnh việc tích hợp các yếu tố Hành động vì Năng lực khí hậu (ACE) vào chính sách và chiến lược chống biến đổi khí hậu quốc gia. Lần đầu tiên COP29 ghi nhận sự tham gia của trẻ em trong Diễn đàn Khí hậu do Thanh niên lãnh đạo, trong đó có một em chỉ 10 tuổi, đảm nhận vai trò điều phối viên và diễn giả. Điều này nhấn mạnh tính bao trùm và hợp tác giữa các thế hệ trong hành động khí hậu.

Hội thảo kỹ thuật: Cập nhật kiểm kê khí nhà kính năm 2020, 2021 và xây dựng năng lực kiểm kê nội bộ cho thành phố Hà Nội

Hội thảo kỹ thuật: Cập nhật kiểm kê khí nhà kính năm 2020, 2021 và xây dựng năng lực kiểm kê nội bộ cho thành phố Hà Nội

Ngày 19/3, Nhóm các thành phố dẫn đầu về sáng kiến khí hậu (Tổ chức C40) đã phối hợp với Sở ...
COP28: Thắp niềm tin từ thỏa thuận bước ngoặt

COP28: Thắp niềm tin từ thỏa thuận bước ngoặt

Sau 2 tuần làm việc đầy khó khăn, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của ...
+84 (0) 33 445 7778